HOÀN THIỆN CHUẨN MỰC VĂN HÓA CÔNG VỤ

Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong công tác tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Văn hóa công vụ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và giúp cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được thông suốt, phân công, phân nhiệm rõ ràng; trụ sở cơ quan, cảnh quan môi trường làm việc văn minh và hiện đại.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ vào ngày 27 tháng 12 năm 2018, tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg với các mục tiêu: Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội. Trong từng nội dung, Đề án Văn hóa công vụ đều xác định việc nên làm và khía cạnh đối lập là không được làm. Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần thiết quan tâm: Tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục… Đi kèm với đó là những giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan trong Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức...; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Trong bốn nội dung lớn của văn hóa công vụ, nội dung đầu tiên là tinh thần, thái độ làm việc. Đây sẽ là điều kiện quan trọng, tiên quyết để dẫn đến hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải sẵn sàng và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, không kén chọn vị trí công tác, không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”; tận tụy, gương mẫu; sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc; chấp hành tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế cơ quan. Nội dung thứ hai, về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử. Trong giao tiếp với người dân, phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn và thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Giao tiếp với đồng nghiệp luôn giữ tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau. Với lãnh đạo cấp trên, phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, phân công, không trốn tránh, thoái thác trách nhiệm; không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng. Nội dung thứ ba, về chuẩn mực đạo dức, lối sống, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; trung thực, giản dị, không ganh ghét, đố kỵ. Nội dung thứ tư, về trang phục, phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự; phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của ngành và điều quan trọng là đảm bảo về thẩm mỹ, thuần phong, mỹ tục.

         Đề án cũng đưa ra các giải pháp, nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án văn hóa công vụ. Trong đó, trước tiên là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ theo chương trình, kế hoạch hằng năm. Và để đồng bộ, lan tỏa rộng khắp, thì cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về văn hóa công vụ và tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.

          Từ Đề án Văn hóa công vụ, chúng ta nhận thấy rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của người cán bộ, công chức, viên chức, thông qua các quy định này, hướng đến chuẩn mực chung với những giá trị về đạo đức, trách nhiệm, kỷ luật, phong cách… Từ đó, sẽ tạo nên những hành động, thái độ, ứng xử và giao tiếp hòa nhã, văn minh, lịch sự. Đó cũng chính là các hoạt động hằng ngày, cách làm, thói quen, nếp nghĩ được lặp đi lặp lại trong thực thi quyền lực công của cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, Đề án Văn hóa công vụ được coi là cơ sở quan trọng để hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền hành chính hiện nay./.
Ngọc Diện
Các bài viết khác:
Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3   (10/04/2020)
Quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao, du lịch   (10/04/2020)
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại phiên họp tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020   (10/04/2020)
Quyển sách “Ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”   (30/01/2020)
Niềm vui thiện nguyện   (30/01/2020)
<<    1  2